1. Buông?
Có một người chị tôi quen nói với tôi rằng mọi người đều đang bám vào 1 cái phao, mảnh gỗ nào đó để sống, rằng nếu biết cách buông bỏ được những chiếc phao đấy họ sẽ học cách tập bơi để sống cuộc sống của mình. Lúc nghe chị nói điều đó, tôi đã nghĩ nói thì dễ chứ buông sao được, làm sao mình đối diện được với nỗi đau phải buông bỏ chính cái đang tạo ra nỗi đau cho mình? Ví dụ như lúc bị giật điện, phải thật sự đau người ta mới bỏ tay khỏi sợi dây điện ấy, chứ nếu không bị giật thấu óc thì ai bỏ tay ra làm gì… Vậy nên bảo một người bước ra khỏi một mối quan hệ toxic không hề dễ, nếu họ chưa nhận thức được nỗi đau đủ để tự buông tay, thì bao nhiêu lời khuyên cũng chả đủ.
Mẹ của đứa bạn thân tôi bị ung thư đã hơn chục năm nay, hôm qua tôi sang nhà nó, nhìn thấy bác vậy mà bật khóc vì không ngờ bác yếu nhanh như thế, con điên ấy thì vẫn tỉnh queo, tiếp chuyện với mẹ tôi, mặt lạnh băng, không 1 chút buồn. Phải chăng nó đã chấp nhận rằng mẹ nó sẽ chả còn ở cạnh nó được bao lâu, đã buông bỏ được nỗi đau mẹ ốm mà chấp nhận sự thật. Nó buồn chứ, nhưng cũng không làm gì hơn được nữa.
Tôi thì vẫn đang bám chấp vào một ngày gặp lại anh, để cuối cùng chúng tôi sẽ thực sự được ở cạnh nhau. Tôi không dám nghĩ đến khả năng rằng giả sử ngày đấy chẳng bao giờ đến thì tôi sẽ phải như nào. Bám víu đến mức tôi không còn biết tận hưởng hiện tại rằng chúng tôi vẫn đang yêu nhau, tôi cứ nghĩ về một tương lai mù mịt rồi lại suy nghĩ tiêu cực.
Vậy tôi nên buông hay không? Buông bỏ cái ý nghĩ phải ở cạnh nhau bằng mọi giá, buông bỏ một mối tình đầy trắc trở và sống tiếp? buông bỏ sự cố chấp rằng những người thân yêu rồi sẽ rời xa mình mãi mãi? Phải mạnh mẽ và dũng cảm đến thế nào để đối diện được với những điều này?
Tiếng Việt có từ Buông – tiếng Anh cùng nghĩa sẽ là từ Drop – hay Give up. Riêng nghĩa đen của nó cũng đã tạo cảm giác cái gì đó sẽ rơi xuống và vỡ toang.
2. Validation
Oprah Winfrey trong cuộc trò chuyện với sinh viên Đại học Stanford năm 2014 có nói rằng: “Bất kể vấn đề là gì, tất cả chúng ta đều muốn biết một điều, sự thật là tất cả mọi tranh luận trên đời đều xoay quanh một câu hỏi giống hệt nhau:
- Did you hear me? Bạn có đang nghe những gì tôi nói không? – ý kiến của tôi có thật sự quan trọng với bạn không?
- Did you see me? Bạn có thấy tôi không? – Vị trí của tôi ở đâu trong cuộc đời bạn?
- Did what I said mean anything to you? – Những gì tôi nói, chia sẻ có thật sự được bạn đón nhận và tôn trọng? chúng có nghĩa lý gì với bạn không?
Đấy thật sự là điều tất cả chúng ta quan tâm”
Tôi rời khỏi công việc cũ cũng bởi vì cuộc nói chuyện của tôi với manager chả đi đến một hồi kết nào có lợi cho cả hai, rằng công sức mình bỏ ra không thật sự được đón nhận xứng đáng và mình không cảm thấy được lắng nghe. Nhiều cô gái sau một thời gian dài cố gắng giao tiếp với partner, trực tiếp hoặc gián tiếp, không thành công đã chọn cách bước ra khỏi mối quan hệ. Những người tham gia các cuộc phỏng vấn, dù nổi tiếng hay không, khi kết thúc một cuộc phỏng vấn điều đầu tiên họ sẽ hỏi người dẫn chương trình đó là: Hôm nay tôi làm có tốt không?
Tất cả chúng ta đều đi tìm sự công nhận giá trị của mình từ những người xung quanh, cho dù bạn có nói với tôi rằng bạn biết rõ giá trị của bản thân mình, nhưng cuối cùng không có sự công nhận từ thế giới bên ngoài thì giá trị đấy có thật sự đáng tin mãi?
3. Intimate Coaching
Tôi tham gia Coaching từ chị Nguyễn Lannah, Ở buổi coaching đầu tiên, chị bảo tôi viết hết ra những điều tôi muốn, và phản ứng đầu tiên của tôi là từ chối, là không dám. Vì sao ư? Vì trong cái đầu đầy suy nghĩ thực tế của tôi, thế giới không chỉ toàn màu hồng, rằng dù có muốn thì không phải cái gì cũng đạt được. Nhất là trong mối quan hệ, bao nhiêu điều bạn list ra về một người đàn ông chuẩn mực đúng với người bạn thực sự đang chọn ở bên? Chả có ai hoàn hảo 100%. Vậy nên, sau khi kết thúc buổi đầu tiên coaching ấy, tôi đã bị down mood mất một ngày. Lý do thì là sau khi cố viết ra tôi nhận ra mình đã hoàn toàn bỏ bê những mong muốn chính đáng của đứa trẻ bên trong mình, nhận ra rằng không có gì sai trái khi nhận thức (acknowlegde) những mong muốn ấy, cho dù nó có thành sự thật hay không.
Ở buổi thứ hai thì chị cho tôi một góc nhìn cực khác về việc có quá nhiều cảm xúc là như thế nào. Chị nêu ra một ví dụ về việc người mẹ cho em bé bú, dù mẹ có rất nhiều sữa để cho em bé, nhưng không thể cho em bé bú quá nhiều, mà chỉ vừa đủ, không thì em bé sẽ bị sặc. Điều này cũng đúng với việc yêu, khi bạn yêu một người quá nhiều, bạn có quá nhiều tình yêu để trao đi, nhưng nếu họ không đủ sức để nhận hết tình cảm cảm xúc ấy của bạn thì sao? bạn không thể lúc nào cũng nhấn chìm người kia trong cảm xúc không kiểm soát. Yêu một người cũng là khi biết điều gì là thực sự tốt cho họ.
Điều dũng cảm đầu tiên là tôi đã cho mình cơ hội để thay đổi và tham gia coaching. Điều dũng cảm thứ hai là tôi có thể xem lại những record của chính mình sau những buổi coaching ấy.
Câu hỏi tôi luôn gặp khó khăn để trả lời đó là: why is that a problem to you?
Tôi không biết vấn đề gốc rễ là gì, nên nhờ những câu hỏi mở và dẫn dắt từ coach mà tôi nhìn ra được những pattern hay vấn đề thực sự làm cho mình vẫn chưa an yên.
Coaching khác với Therapy ở chỗ, coaching không phải để chữa bệnh tâm lý, vì thực sự tôi không có vấn đề gì về tâm lý cần phải chữa cả, tôi hoàn toàn đủ nhận thức được các vấn đề và những điều xảy ra xung quanh, coaching đưa ra những cách nhìn nhận vấn đề khác mà chủ quan chủ thể có thể khó tự nhìn ra được và tự chủ thể quyết định có thay đổi theo cách nhìn mới hay không.
Năm vừa rồi tôi viết không nhiều, vì có cảm giác không nhiều năng lượng để viết. Hầu hết tôi viết được là lúc thất tình, thất nghiệp, hoặc buồn khủng khiếp.
Cuối năm rồi, chưa thấy niềm vui đâu, nhưng chắc đến lúc phải buông nỗi buồn để nắm lấy thực tại và thực sự enjoy cái moment này 🙂
Diep Dau
Posted at 17:23h, 25 DecemberGreat and so touch
v
Posted at 23:37h, 25 DecemberẢnh cover xinh 😀