Kiếm quyển sách này đọc đi rồi quay lại đọc review và cảm ơn mình sau (Hoặc đọc review này xong rồi kiếm sách đọc). Đằng nào cũng phải đọc 😀
Mở đầu challenge #50bookschallenge năm nay thực ra bằng quyển Becoming của Michele Obama. Best seller trong danh sách những quyển sách đáng đọc nhất của Oprah Winfrey. Nhưng mà đọc mãi, chữ của quyển này nhỏ quá, mà lại còn dày, giọng văn của bác Obama thì đanh thép nghiêm túc quá. Thực ra là hay, phải hay thì mới best seller được, nhưng mà mình lười quá. Hị. Thế là tìm được bản PDF của Born a crime ngồi đọc ngấu nghiến.
Trevor Noah đã nổi tiếng sẵn như một stand up comedian ở Mỹ và South Africa, quê hương của anh. Hiện tại ngoài công việc của một diễn viên hài, anh còn là người dẫn chương trình cho chương trình The Daily Show của kênh The Comedy Central. Quan điểm sống của anh luôn làm người khác phải ngưỡng mộ vì anh có một tính cách rộng lượng và những câu nói khiến mọi người phải suy ngẫm. Không những thế, khiếu hài hước bình dẫn của Trevor là điểm thu hút của anh. Các bạn có thể xem những video trên youtube hoặc trên facebook The Daily show có nhiều lượt view đều là những video cười ra nước mắt nhưng Trevor cũng gài gắm được vào rất nhiều những quan điểm khôn khéo của mình về nhiều vấn đề trong cuộc sống. Đặc biệt, chương trình The Daily show là chương trình mà nội dung chủ yếu của nó là châm biếm chính trường Mỹ và đặc biệt là Tổng thống Donald Trump.
Born a crime – tạm dịch: Sinh ra đã là một tội lỗi – là cuốn tự truyện đầu tay của Trevor, viết về thời niên thiếu của anh ở Nam Phi, về cuộc sống khó khăn khốn khó của mẹ anh, Patricia, người đã chọn sinh ra anh trong thời kỳ mà nạn phân biệt chủng tộc Apartheid vẫn đang hiện hữu hàng ngày tại đất nước này.
Lối văn tự nhiên không màu mè, Trevor cứ thế đi từ chuyện nọ sang chuyện kia mà người đọc vẫn không thấy dài dòng lê thê vì anh có một kỹ năng kể chuyện khá độc đáo và hấp dẫn.
Cuốn sách được chia ra làm 3 phần chính, kéo dài từ lúc mẹ anh còn trẻ, gặp bố Trevor (Robert) và đẻ ra anh, đến những tháng ngày 2 mẹ con sống với nhau, cùng nhau đi đến đủ loại nhà thờ để cầu nguyện vì quý bà Patricia có một lòng tin tuyệt đối cao cả với đức chúa trời. Những ngày chủ nhật là những ngày mà mẹ sẽ lôi anh đi 3 loại nhà thờ: Mixed church (Nhà thờ dành cho tất cả mọi người không phân biệt sắc tộc), White church (nhà thờ dành cho người da trắng) và đương nhiên Black church (Nhà thờ dành riêng cho người da màu). Dù xe ô tô của bà có hỏng thì bà cũng sẽ tha lôi cả 2 đứa con đi bắt xe bus hoặc đi bộ để đi cầu nguyện.
Tuổi thơ anh gắn liền với những cuộc rượt đuổi quanh xóm của 2 mẹ con, dưới giọng văn của Trevor, sự dạy dỗ của người mẹ ấy không hề mang hơi hướng bạo lực mà sẽ khiến người đọc cảm thấy gần gũi, chân thật một cách hài hước. Câu chuyện về chú chó Fufi cũng làm người đọc vừa xúc động vừa rút ra được những bài học cho cuộc sống.
Đan xen các phần là cách anh kể câu chuyện thời niên thiếu, việc anh lớn lên trở thành một cậu thanh niên hiếu động, học cách hòa nhập với cộng đồng người da màu, người da trắng trong chính nơi mình sinh sống, hay việc anh bắt đầu kiếm tiền mưu sinh. Cuộc sống của mẹ anh với người đàn ông bạo lực cũng lấy đi không ít nước mắt của độc giả. Kết truyện là tình mẫu tử thiêng liêng của người mẹ ấy với những đứa con của mình, sự mạnh mẽ và luôn nhìn vào mặt tích cực dù cho cuộc sống có khó khăn đến mức nào. Nó như lời biết ơn và thể hiện tình yêu sâu sắc của Trevor dành cho bà Patricia.
Cuốn sách sẽ khiến bạn đọc không dời mắt và chỉ mong cho nó đừng kết thúc. Với những ai đã sẵn yêu mến khiếu hài hước của Trevor, họ sẽ không bỏ lỡ cơ hội tìm hiểu sâu hơn thế giới nội tâm và tuổi thơ dữ dội của anh. Còn với những ai còn xa lạ với anh, sau cuốn sách này, điều đầu tiên họ sẽ làm là tra Google hoặc Youtube và xem ngấu nghiến mọi clip hài của anh hoặc đọc về thời kỳ Apartheid
Dù sao thì đây là quyển sách rất đáng đọc và đáng đọc lại 🙂
Enjoy Book time!
No Comments